Cách nhận biết hạt dưa không bị nhuộm màu
Ngày đăng : 15:34:38 30-10-2017
Hạt dưa là một loại hạt khô không thể thiếu trong ngày Tết. Nhiều gia đình còn nói vui với nhau rằng, Tết mà thiếu đĩa hạt dưa cắn nghe tanh tách thì chẳng phải là Tết.
Tuy nhiên vì ham lợi nhuận, một số địa chỉ cung cấp hạt dưa thay vì dùng màu thực phẩm đã sử dụng chất “Rhodamine B” để tẩm ướp hạt dưa – Đây là hóa chất thường được dùng để nhuộm màu quần áo, vốn đã bị cấm tuyệt đối trong thực phẩm và thuốc. Nếu sử dụng phải hạt dưa bị nhuộm chất này trong thời gian dài sẽ gây ra suy gan, thận và thậm chí là dẫn đến ung thư.
Chính vì vậy, để vừa giúp ngày tết trở nên vui vẻ, lại vừa có thể bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình, bạn nên lựa chọn hạt dưa tại các cơ sở sản xuất uy tín, chất lượng, có đầy đủ nhãn mác, thành phần, hạn sử dụng và kiểm định chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, bạn cũng cần trang bị cho mình những kiến thức căn bản về hạt dưa an toàn và hạt dưa nhuộm màu hóa học để có thể tự mình nhận biết được đâu là hạt dưa ngon.
Dưới đây là một số mẹo để nhận biết hạt dưa mà bạn nên biết:
+ Hạt dưa được nhuộm bằng hóa chất thường có màu sáng bóng, không bị phai, kể cả khi tiếp xúc với nước.
+ Hạt dưa được nhuộm bằng phẩm màu thực phẩm có màu đỏ tự nhiên, không quá đậm, không sáng bóng, đặc biệt khi gặp nước sẽ rất dễ bị lem màu vào tay hay khi để ẩm sẽ dính màu vào vải bông, vải lụa.
+ Bạn nên chọn mua hạt dưa dưa có màu đỏ nâu tự nhiên, không bắt mắt, bên trong có màu trắng ngà, có vị béo ngậy đặc trưng, khi đi mua bạn có thể thử bằng cách cho cả hạt vào miệng để ngấm nước bọt, rồi cho vào lòng bàn tay xoa xem hạt có bị phai màu không
+ Không nên chọn hạt dưa có màu sáng bóng, nhìn bắt mắt
+ Tuyệt đối không mua hạt dưa bị nấm mốc, bởi sẽ xuất hiện các chất như: Aflatoxin, ozchatoxin – đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ung thư.
Lưu ý khi sử dụng hạt dưa: Khi ăn hạt dưa, chất béo trong hạt dưa đã kích thích niêm mạc họng, cho nên khi ăn bạn nên tránh uống nước lạnh, bia rượu hay nói quá nhiều,…Bởi điều này sẽ khiến bạn dễ bị mất tiếng hay bị khàn họng.